Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Danh nhân Cà Mau

HỒ THỊ KỶ



Nữ anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Kỷ

Tiểu sử:

Bà sinh tại ấp Cây Khô xã Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ), huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau trong một gia đình nông dân nghèo.
Tham gia hoạt động cách mạng từ những năm còn trẻ với tư cách giao liên. Năm 1968 bà được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Từ đó bà tham gia vào các đội biệt động ở thị xã Cà Mau.
Năm 1969 Hồ Thị Kỷ tổ chức nhiều trận đánh biệt động vào thị xã Cà Mau và với những thành tích xuất sắc Hồ Thị Kỷ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Thị Kỷ đã mất trong một trận đánh tại Cà Mau vào ngày 03 tháng 4 năm 1970, khi mới 21 tuổi.

Tặng thưởng, ghi nhớ:

Năm 1972 Hồ Thị Kỷ được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Để ghi nhận chiến công của liệt nữ, xã Tân Lợi nơi bà sinh ra, đã đổi tên thành xã Hồ Thị Kỷ; một trường cấp 3, một trường trung học cơ sở, hai trường tiểu học (Hồ Thị Kỷ A và Hồ Thị Kỷ B), một đường phố tại Cà Mauthành phố Hồ Chí Minh cũng được mang tên Hồ Thị Kỷ.

LÂM THÀNH MẬU
(1898 - 1942)



Đồng chí Lâm Thành Mậu - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên thị trấn Cà Mau- năm 1930

Ông Lâm Thành Mậu, tên thường gọi là Bảy Mậu. Trong những năm đầu cách mạng (1928 – 1930), ông lấy bí danh là Ái Việt. Thời kỳ Đông Dương đại hội (1936 – 1939), ông hoạt động với tên gọi Bình Dân để tránh tai mắt kẻ thù.
Ông sinh ngày 17.8.1898, tại thị xã Cà Mau (nay là Phường 4, TP.Cà Mau). Ông học đến lớp 4 tiểu học, vì nhà nghèo không thể tiếp tục theo học nên về nhà giúp cha làm thuốc Đông y. Trong thời gian này, ông thường được nghe cha và các sĩ phu bàn bạc quốc sự. Vốn thông minh, nên ngay thuở thiếu thời, ông đã hiểu được bản chất của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai chính là nguyên nhân đẩy nhân dân ta vào cảnh bần cùng, khổ nhục.
Lớn lên, ông tham gia vào một số phong trào yêu nước. Đến năm 1927 – 1928, ông tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua sách, báo bí mật như:
Việt Nam hồn, Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp. Tháng 1.1928, ông gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và liên tục đi đầu trong các hoạt động cách mạng, góp phần phát động phong trào cách mạng ở Cà Mau.
Năm 1941, ông bị bắt. Mặc cho địch dụ dỗ, tra tấn dã man, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Ông bị kết án 15 năm tù giam và bị đày ra Côn Đảo. Dưới chế độ nhà tù khắc nghiệt, bị tra tấn dã man, thương tật nặng nề, ông Lâm Thành Mậu đã hy sinh vào tháng 7.1942, tại nhà tù Côn Đảo. Ông Lâm Thành Mậu là tấm gương sáng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản; suốt đời không ngừng đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên của ông được đặt cho con đường đi qua nhà ông trước đây: đường Lâm Thành Mậu, ở phường 4, TP.Cà Mau.



PHẠM HỒNG THÁM
(1902 - 1978)




Ông Phạm Hồng Thám sinh ngày 6.2.1902, ở Thuận Vi, nay là xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông có các bí danh: Phạm Thái, Đông Phương, Thanh Phong, Hai Phước. Ông đã từng đi lính và bị đưa sang Pháp chiến đấu cho chính quyền thực dân vào năm 1921. Qua đó, ông được chứng kiến những thủ đoạn áp bức, bóc lột hết sức dã man, tàn bạo của đế quốc, thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Năm 1925, ông về nước, chứng kiến biết bao cảnh lầm than của nhân dân, ông càng nhận rõ bộ mặt dã man, tàn bạo của bọn thực dân cướp nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thành lập chi bộ trong chi bộ lính tập do ông làm Bí thư. Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 20 năm tù, đày ra Côn Đảo. Sau đó, ông vượt ngục, trở về đất liền hoạt động.

Tại Cà Mau, ông đi rất nhiều nơi để gây dựng phong trào cách mạng. Ngày 5.7.1937, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên được tổ chức tại nhà của đồng chí Lâm Thành Mậu. Đại hội đã quyết định thành lập Quận ủy Cà Mau – Quận ủy đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu và bầu ông làm Bí thư Quận ủy.
Từ năm 1937 đến năm 1971, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Cuối năm 1971, Trung ương Cục miền Nam cho ông và vợ ra Bắc để trị bệnh. Nhưng do bệnh nặng, ông đã qua đời ngày 5.8.1978, thọ 76 tuổi.
Phạm Hồng Thám là đảng viên ưu tú, người có công lớn trong việc khôi phục, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh Nam bộ, đặc biệt là Bạc Liêu (Cà Mau). Ông là tấm gương sáng ngời về phẩm chất cách mạng cao quý của người chiến sĩ cộng sản, suốt đời vì lợi ích của Đảng, của dân tộc.
Để ghi nhớ công lao của ông, một con đường quan trọng của TP.Cà Mau đã được đặt theo tên ông: đường Phạm Hồng Thám, phường 4, TP.Cà Mau.


TRẦN VĂN THỜI

(1902 - 1942)



Tượng đài Trần Văn Thời, tại Công viên Văn hóa Hùng Vương - TP.Cà Mau

Ông Trần Văn Thời sinh năm 1902, tại ấp Giao Vàm, xã Phong Lạc, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Ông sinh ra trong một gia đình trung nông, có tinh thần yêu nước, thương dân. Bố, mẹ ông tích cực nuôi giấu, bảo vệ cán bộ và khuyến khích con cháu tham gia hoạt động cách mạng. Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, bọn cầm quyền địa phương và tay sai đốt nhà và tìm bắt gia đình ông. Ông đã trốn thoát và cùng với các chiến sĩ vào rừng U Minh lập căn cứ, sản xuất vũ khí tiếp tục chống thực dân cướp nước và bè lũ tay sai. Căn nhà của ông ở Lung Lá Nhà Thể, thuộc ấp Rạch Muỗi, xã Tân Hưng là nơi hội họp của cán bộ, đảng viên trong những năm 1936 – 1940 và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tháng 5.1940, tại Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu do Xứ ủy Nam kỳ triệu tập, tại khu rừng thuộc xã Tân Hưng Tây, ông được cử làm Bí thư. Chính tại vườn nhà ông vào tháng 11.1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu tiến hành khởi nghĩa do ông trực tiếp chỉ đạo.
Tuy bị đàn áp, nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao truyền thống quật cường, anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Do tình hình trong cả nước chưa có chuyển biến có lợi, nên cuối tháng 3.1941, căn cứ U Minh tạm thời giải tán, các cán bộ, đảng viên trở về địa phương để bám sát các cơ sở quần chúng. Ông Trần Văn Thời được điều về phục trách tỉnh Châu Đốc.
Năm 1941, ông bị địch bắt. Không khuất phục được ông bằng những hình thức tra tấn dã man, tòa án thực dân Pháp đã xử ông 10 năm cấm cố, 15 năm lưu đày biệt xứ và đưa ra Côn Đảo. Ngày 5.5.1942, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Côn Đảo.
Tên tuổi của ông đã trở thành tên đất, tên quê hương (huyện Trần Văn Thời), sống mãi với nhân dân miền đất cực Nam Tổ quốc.


PHAN NGỌC HIỂN

(1910 - 1941)



Phan Ngọc Hiển - Người trực tiếp chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13.12.1940

Ông Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910, trong một gia đình nghèo. Trong khi theo học tại trường Trung học Sư phạm Sài Gòn, ông đã tích cực tham gia nhiều phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên.

Cuối năm 1931, ông ra trường và dạy học ở Rạch Gốc, Cà Mau. Cuối năm 1935, ông làm phóng viên tuần báo “Tân Tiến” của Hồ Văn Sao ở thị xã Sa Đéc, đưa nhiều tin bài về phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Năm 1936, ông trở về hoạt động tại Cà Mau và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7.1937, ông được Huyện ủy Cà Mau phân công phụ trách cơ quan báo chí công khai của Đảng ở thị xã Cà Mau. Trong các cuộc bút chiến với kẻ thù, ông luôn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng vững vàng, phản ánh trung thực và bênh vực quyền lợi của nhân dân.
Năm 1938, ông được Tỉnh ủy Bạc Liêu xin về. Tháng 6.1940, ông được phân công để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Ngày 13.12.1940, ông cùng đồng đội tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại Hòn Khoai. Sau đó, ông cùng những người đồng chí đánh đồn Kiểm Lâm ở Tam Giang, giúp dân Rạch Gốc sơ tán vào rừng để tránh khủng bố của địch. Ngày 22.12.1940, ông và đồng đội bị địch bắt ở bãi Khai Long.
Ông bị giam ở nhiều nơi tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sài Gòn (nay là TP.HCM). Bị địch tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Ngày 12.7.1941, tại sân vận động thị xã Cà Mau, ông và các đồng đội đã bị địch hành quyết. Những câu nói của ông trước khi hy sinh đã làm cho kẻ thù phải run sợ: “Những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no. Nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt được thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ được độc lập”.
Để ghi nhới công lao của Phan Ngọc Hiển - nhà giáo, nhà báo, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, tỉnh đã lấy tên ông để đặt cho một huyện nơi ông hoạt động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa – huyện Ngọc Hiển. Ở Cà Mau, nhiều con đường, trường học cũng được mang tên ông.


LÝ VĂN LÂM

(1941 - 1969)


Lý Văn Lâm - Liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Lý Văn Lâm sinh năm 1941, tại vùng đất nay thuộc ấp Giồng Kè, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, trong một gia đình nông dân. Chứng kiến những cảnh đau thương, tang tóc ở quê nhà, trong anh đã nung nấu lòng yêu nước, thương nòi, và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Tháng 7.1959, anh Lý Văn Lâm được công nhận là nòng cốt thanh niên, hoạt động trong vùng địch hậu, thuộc khu vực I, thị xã Cà Mau. Ngày 15.7.1961, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và được đề bạt làm trung đội phó du kích xã Lợi An. Với nhiều thành tích giết giặc lập công, anh được cử đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Tây Nam bộ (ngày 17.9.1967) và được tặng bằng Dũng sĩ quyết thắng cấp I, Huy hiệu Bắc – Nam.
Ngày 3.9.1969, trên đường đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Tây Nam bộ lần 2, bị lọt vào ổ phục kích của địch, anh và người em trai đã trụ lại chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Ghi nhớ công lao to lớn của anh, chính quyền và nhân dân Cà Mau đã lấy tên anh đặt cho con đường từ thị xã Cà Mau về quê hương anh và một xã mới thành lập ở ven thị xã Cà Mau (xã Lý Văn Lâm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét