Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh: Bài 3 : Chùa Bà Thiên Hậu

    Theo dấu chân của khách thương hồ, những người Hoa khắp nơi đổ về Cà Mau từ rất sớm. Vào năm 1898, để thuận đường mua bán có hơn bảy trăm Hoa kiều từ khắp nơi tụ hội về sống cặp mé sông Cà Mau. Họ vừa buôn bán, vừa định cư. Với tính cách và phong tục của mình và cũng phần nào hỗ trợ nhau nơi đất khách quê người, nên vào đầu năm 1903 (Quý Sửu), Hội quán đầu tiên mang tính quy mô của đồng bào người Hoa được thành lập và cũng khai sinh ra một ngôi chùa đóng ở ngã ba sông Cà Mau với thế Giao long đắc địa. Đó là chùa Bà Thiên Hậu ngày nay.

Chùa là nơi những tín hữu gửi gắm niềm tin qua những cây xăm, nén nhang


Phía trước, cặp mé sông Cà Mau là hoa viên của Chùa
    Thông thường người Hoa lập ra Quán Tông thân Hội để tôn thờ ông Tổ của mình. Chùa Bà là nơi họ Lâm thờ cúng đông nhất, vì Bà có tên là Lâm Mật Nương. Tục truyền, Bà chết rồi vẫn hiển linh nơi biển cả và thường cứu độ dân đi biển. Vì vậy, đồng bào người Hoa thờ Bà rất đông và chọn nơi đây làm nơi gởi gắm tâm linh của riêng mình.
    Chùa có nét kiến trúc cuối đời Minh, với hình quả ấn nhìn từ chính điện. Mái chùa có những đầu đao cong vút. Bên trong lại có lối kiến trúc theo thế Thiên tỉnh (Giếng trời). Chùa cất bằng vật liệu bền vững với các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn - Phúc Châu (Phúc Kiến). Các bệ đá này ngày nay vẫn bền chắc, dù đã trải qua một thế kỷ tồn tại.

Chùa Bà Thiên Hậu với thế Giao long đắc địa


Bàn thờ Bà Thiên Hậu
    Ngày nay, Chùa Bà Thiên Hậu được xem là một HỘI QUÁN của cả cộng đồng Kinh - Hoa - Khmer, nhất là vào dịp lễ hội.
    Được dựng lên trong buổi đầu định cư nơi cuối trời này, nằm ở Phường 2 - thành phố Cà Mau, Chùa Bà Thiên Hậu là Hội Quán của đồng bào người Hoa Cà Mau - một di tích đáng được bảo tồn.
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét