Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Truyện kể Bác Ba Phi - “Đặc sản” của đất rừng U Minh Hạ


Bác Ba Phi, tên thật là Nguyễn Long Phi (1884-1964), một con người có thật của vùng đất Cà Mau, là người nghệ sĩ dân gian có sức sáng tạo dồi dào. Ông sáng tác những câu chuyện hài hước, lan truyền rộng rãi trong nhân dân bằng con đường truyền miệng. Do được nhiều người say mê, nên sau khi ông mất, nhiều tác giả dân gian vô danh tiếp tục sáng tác theo phong cách truyện Bác Ba Phi. Vì vậy, truyện cười Bác Ba Phi trở thành một hiện tượng văn học, là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc không chỉ của Cà Mau mà là của cả miền Tây Nam Bộ, hấp dẫn người nghe đến tận ngày nay.

Bàn thờ Bác Ba Phi.


Cây vú sữa do chính tay Bác Ba Phi trồng và chăm sóc.
    Với những câu truyện: Chim chuột ở U Minh, Rắn hổ mây tát cá, Nền nhà quay, Sọ đầu cá trê, Khỉ đi phát cỏ ruộng, Nai cộ lúa, Trăn đánh giặc, Rùa U Minh, Bắt cá Lung Tràm, Ong đánh giặc…, bước vào thế giới truyện Bác Ba Phi, người nghe được sống với cuộc sống của lớp người khẩn hoang, mở cõi, chinh phục thiên nhiên hào phóng nhưng đầy huyền bí của vùng U Minh Hạ, cũng như sắc thái văn hóa giản dị nhưng cương trực, khẳng khái, đầy nghĩa tình của con người Cà Mau; sẽ cảm nhận thật rõ ràng về xứ sở tuy nghèo khó nhưng khoáng đạt, giàu có về sản vật thiên nhiên và giàu lòng trượng nghĩa, lòng yêu nước, sẵn sàng tham gia đánh giặc giữ quê hương.

 Phần mộ Bác Ba Phi cùng hai người vợ trên phần đất gia đình ở ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời.
    Đã có rất nhiều tác giả sưu tầm và nghiên cứu hiện tượng văn học độc đáo này. Tuy nhiên, giá trị của truyện Bác Ba Phi vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị.

Khạp da bò - vật dụng còn lại duy nhất của Bác Ba Phi, hiện vẫn được lưu giữ tại gia đình.
    Năm 2002, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội thảo chủ đề “Hiện tượng Ba Phi trong văn hóa dân gian Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong cả nước. Cũng trong năm đó, Bác Ba Phi được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
NGUYỆT CÁT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét