Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Di tích lịch sử cấp quốc gia: Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng


    Sau năm 1954, với ý đồ chia cắt lâu dài Việt Nam, Mỹ - Diệm ban hành nhiều sắc lệnh, trong đó chúng đưa ra chính sách lập khu dinh điền, khu trù mật, mục đích đẩy nhân dân ta ra khỏi nơi sinh sống và đưa người của chúng vào các khu căn cứ kháng chiến để “tát nước bắt cá”, biến nơi đây thành thánh địa, đặt cộng sản ra khỏi vòng pháp luật.

Bia tưởng niệm.
    Tại Cà Mau chúng thành lập nhiều khu dinh điền: Phú Mỹ, Hòa Trung, Quảng Hòa, Khánh Lâm, Bàu Sen. Năm 1957, Nguyễn Lạc Hóa cùng 80 hộ dân theo đạo Thiên Chúa di cư đến hai bên kinh xáng Thọ May, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước và thành lập xứ đạo Phú Mỹ. Sau đó khu dinh điền Phú Mỹ được dời về ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, thành lập khu dinh điền Cái Cám. Cùng thời gian này, Nguyễn Lạc Hóa đưa trên 80 hộ dân di cư tự do từ Quảng Nam đến Cái Đôi Giữa, ấp Thanh Đạm, thành lập khu dinh điền Bình Hưng. Từ năm 1959 - 1960, Nguyễn Lạc Hóa tuyển mộ những phần tử ác ôn trong lực lượng di cư cùng một số thanh niên trong xứ đạo, thành lập các trung đội địa phương đồng thời xin cấp phát thiết bị, súng đạn phục vụ cho việc xây dựng biệt khu Hải Yến - Bình Hưng. Nguyễn Lạc Hóa đã kích động, dung dưỡng cho bọn này tự do bắn người, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng lấy mật, moi gan, gây biết bao đau thương, mất mát đối với nhân dân và chiến sĩ cách mạng. Theo số liệu chưa đầy đủ, đã có 1.675 cán bộ, chiến sĩ ta bị giết hại. Chính nơi đây đã ghi dấu tội ác dã man của bọn Bình Hưng và cũng là nơi ghi dấu chiến công hào hùng, ngoan cường của thế hệ cha anh đi trước.



Cầu Vĩnh Biệt. Ảnh: Phương Thi
    Việc xây dựng lại biệt khu Hải Yến - Bình Hưng là việc làm có ý nghĩa, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngày 24-11-2000, Di tích biệt khu Hải Yến - Bình Hưng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
PHÚ HỮU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét