Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Huyền thoại trái Mắm


   Đoàn văn nghệ sĩ TP Cần Thơ được Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 hướng dẫn về Năm Căn và Ngọc Hiển (Cà Mau) thăm lại một số đồng đội và các khu di tích lịch sử trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử, thu thập khá nhiều tư liệu quý về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân từ khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940 cho đến kháng chiến chống Mỹ. Và trong đó còn có huyền thoại về trái mắm...
 
Trái mắm

   Tháng 9 năm 1962, Đoàn 962 được thành lập với nhiệm vụ triển khai bến bãi, tiếp nhận, bảo quản kho tàng, hàng hóa, vũ khí và cung cấp vận chuyển đi các nơi theo lịch phân phối của Trung ương. Đến năm 1969, địch tái chiếm Chi khu Năm Căn, chúng thực hiện chiến thuật “Chiến đội nhỏ trên sông”, mở nhiều cuộc bao vây phong tỏa đường tiếp tế lương thực của ta. Lúc này, đồng bào ta phải dùng trái mắm luộc ăn tạm qua ngày, nhường từng ký gạo, lon nước cho bộ đội, hết lòng che chở và nuôi dưỡng bộ đội.
Cây mắm nơi vùng đất bãi bồi Cà Mau - Ảnh: Trịnh Xuân Dũng
   Đúng là “cái khó ló cái khôn”. Lúc đó, nhiều đồng bào, chiến sĩ của ta nghiệm ra rằng: “Cá dứa Năm Căn nổi tiếng ngon, ngọt và béo chính là nhờ ăn trái mắm trôi theo dòng nước. Tại sao mình không dùng thử ? Biết đâu đó lại là thứ lương thực hữu dụng đối với chúng ta trong lúc khó khăn quyết liệt này!”. Nghĩ thế, nhiều người đã thu gom trái mắm về chế biến, nhưng vì nó quá chát nên không sao nuốt nổi. Không đầu hàng, các mẹ, các chị nhất định sẽ tìm cách loại bỏ chất chát bằng cách nấu nhiều lần cho đến khi nồi mắm “lên tiếng ăn được” mới chịu thôi. Cuối cùng, các mẹ, các chị đã thành công trong việc chế biến trái mắm, loại trái rừng tưởng đâu là vô dụng đã trở thành một món lương thảo đắc dụng trong những ngày đầy khó khăn gian khổ.
   Bà Phan Thị Thu (má Năm), 76 tuổi, quê ở kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, (Tổ trưởng tổ Phụ nữ thời chống Mỹ) là một trong những phụ nữ đã từng mày mò, trải nghiệm và chế biến ra nhiều món ăn từ trái mắm. Má Năm kể: “Trái mắm thường nấu chung với gạo theo tỷ lệ 2 phần mắm, 1 phần gạo. Nhưng phải chọn được những trái mắm già, lột bỏ vỏ, rồi nấu đến 6, 7 lần cho hết chất chát trước khi đem nấu với gạo. Ngoài nấu chung với gạo làm cơm, trái mắm còn có thể nấu hoặc ngào đường ăn rất thơm và bùi như đậu xanh”. Hôm chúng tôi đến nhà, má Năm đã mang ra hai đĩa mứt trái mắm, một đĩa lạt và một đĩa ngọt để đãi khách quý (trong đó có nhiều cựu chiến binh đã từng được má Năm cưu mang), nhằm gợi lại những kỷ niệm sâu sắc trong những ngày “cất nước từng lon, ăn trái mắm qua ngày”, trăm lao ngàn khổ nhưng biết mấy tự hào! Nhìn hai đĩa mứt mắm, Đại tá Khưu Ngọc Bảy bùi ngùi: “Đây là loại thực phẩm “độc nhất vô nhị” của vùng kháng chiến Năm Căn, một phát minh vô tiền khoáng hậu của người con xứ đước và xứ mắm. Anh em hãy ăn đi... Ăn cho biết mùi vị của xứ biển và nhớ Đoàn 962 trong những năm chống Mỹ hào hùng...”.
   Trong một buổi họp mặt anh em cựu chiến binh, Trung tá Trần Tuyên Ngôn, nguyên Chủ nhiệm hậu cần Đoàn 962, bồi hồi kể lại: “Sáng kiến ăn trái mắm thay cơm bắt đầu từ năm 1969-1970, đầu tiên ở xã Tân Ân và xã Tam Giang, sau đó mới lan truyền rộng rãi. Lúc đó, mỗi chiến sĩ đều thi đua trồng lúa cứu đói, đồng thời trồng thêm chuối, khóm, rau củ và hằng ngày đi thu gom trái mắm mang về cho các má, các chị chế biến thành lương thảo dự trữ”. Chính trái mắm đã góp phần nuôi quân đánh giặc trong những ngày đồng bào và chiến sĩ đồng cam cộng khổ, đồng thời cũng nói lên tình nghĩa keo sơn gắn bó giữa cán bộ, bộ đội và nhân dân ta trong suốt quá trình chiến đấu gian khổ cho đến ngày toàn thắng.

Ngoài chức năng thay lương thực thời chiến, cây mắm còn là người lính tiên phong trong việc lấn biển, chắn sóng
   Nhân dân Ngọc Hiển nói riêng, Cà Mau nói chung không những cần cù lao động sáng tạo, chinh phục biển, rừng mà còn có tinh thần yêu nước thiết tha “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám đất bám rừng, nuôi quân đánh giặc. Nhiều mẹ chiến sĩ, gia đình có công với cách mạng, đã từng che chở, đùm bọc cho bộ đội. Mặc dù cuộc sống có những lúc vẫn còn nhiều khó khăn và bức xúc nhưng họ vẫn giữ tấm lòng trong sáng, thủy chung với cách mạng, không một ai bỏ xứ ra đi. Ông Huỳnh Văn Tuôi, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Ân, cảm động nói: “Cuộc đời của họ lúc nào cũng gắn bó máu thịt với biển với rừng, như cây mắm cây đước bám rễ sâu vào lòng đất”:
   Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
   Gió càng lay càng vững thành đồng

   (Tố Hữu)
   Giờ đây, nhiều cán bộ lão thành về thăm lại Ngọc Hiển, mỗi lần đi ngang qua chiến khu xưa, đều cảm thấy bồi hồi nhớ lại những đồng đội đã từng ăn trái mắm nay đã nghìn thu yên nghỉ.
   “Chúng tôi đứng lặng im bên mồ đồng chí
   Bên những hố bom thắm máu đồng bào
   Những người đã nghìn thu an nghỉ ...”

   (Khưu Ngọc Bảy)
   Trong giây phút chạnh lòng, một vị cựu chiến binh lớn tuổi đứng cạnh tôi đã không giấu được nỗi niềm: “Không biết rồi đây có ai còn nhớ đến những con tàu không số, nhớ những bến bãi và những đồng bào chiến sĩ năm nào đã ăn mắm thay cơm hay không?” .
   Trên sông Cửa Lớn Năm Căn mênh mông cuộn sóng, chiếc ca nô chở chúng tôi rẽ sóng lao vun vút về phía những dãy rừng mắm vươn cao hun hút, điệp trùng nối tận chân mây, bất giác lòng tôi lại nghĩ đến câu ca của soạn giả Trọng Nguyễn: “Cất nước từng lon. Đói ăn trái mắm...” mà lòng dâng lên một nỗi hoài cảm.
HOÀI PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét