Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Lễ hội Nghinh Ôn nét văn hóa miền biển


    Nhịp sống đô thị Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) vào những ngày trung tuần tháng Hai âm lịch trở nên hối hả, sôi động hẳn lên với Lễ hội Nghinh Ông. Hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ trang hoàng cờ hoa rực rỡ neo đậu khắp cả một khúc sông.

Nghi lễ rước kiệu Nam Hải tướng quân được tiến hành tại Lăng Ông.

 Lực lượng “quân sĩ” sẵn sàng nghinh Ông.

Lễ hội Nghinh Ông được xem là lễ cầu ngư lớn nhất trong năm, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử.

Nghi thức đọc văn tế tri ân công ơn của Nam Hải tướng quân đã phù trợ những người làm nghề biển.
    Nghi lễ rước kiệu Nam Hải tướng quân được tiến hành tại Lăng Ông, sau đó đoàn diễu hành qua tuyến đường chính của thị trấn, rồi đưa long đình lên thuyền ra biển xin keo, khi nào được mới trở vào. Tháp tùng ra biển có hàng trăm tàu thuyền, tiếng máy, trống, kèn rền vang tạo nên giai điệu độc đáo cho không khí của ngày hội miền biển thêm nhộn nhịp, đặc trưng. Ngư dân quan niệm, số người trên thuyền càng đông, lượng thuyền tham gia lễ Nghinh Ông càng nhiều sẽ hứa hẹn một mùa đánh bắt bội thu.
    Cá Ông là thần hộ mệnh của những người đánh cá và làm nghề trên biển, là phúc tinh mang lại mưa thuận gió hòa, mùa bội thu. Tôn kính loài thủy tộc khổng lồ này, nên Lễ hội Nghinh Ông được xem là lễ cầu ngư lớn nhất trong năm, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của tỉnh Cà Mau. Năm nay, phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức: Hội chợ thương mại - du lịch với hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu hình ảnh về đất, về người Cà Mau; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; Liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh cũng được diễn ra tại Sông Đốc đúng vào mùa lễ hội.

Học trò lễ dâng hương lên bàn thờ Ông.

 Đoàn rước kiệu Nam Hải tướng quân diễu hành qua tuyến đường chính của thị trấn Sông Đốc.

Ngư dân quan niệm, số người trên thuyền càng đông, lượng thuyền tham gia lễ Nghinh Ông càng nhiều sẽ hứa hẹn một mùa đánh bắt bội thu.

Cà Mau có kế hoạch nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc thành lễ hội cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Cơ, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, trao bằng Bảo trợ Lăng Ông.

Ông Nguyễn Trọng Cơ trao chứng nhận cho các cá nhân có công đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của Lăng Ông Sông Đốc.
    Trong tiến trình phát triển, tỉnh Cà Mau xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có vai trò rất quan trọng. Vì vậy không xem đây đơn giản là một hoạt động du lịch, mà còn xác định rõ vị trí trong quy hoạch xây dựng và phát triển của một đô thị loại 4. Cùng nhiều hoạt động phát triển du lịch khác, thời gian tới, Cà Mau có kế hoạch nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc thành lễ hội cấp tỉnh nhằm duy trì, quảng bá nét văn hóa đẹp của người dân lao động miền biển.
Vạn Lăng Ông Nam Hải - Sông Đốc được hình thành và phát triển gần 90 năm. Sau bao biến cố của thời gian, lăng được tôn tạo, nâng cấp và trở thành một di chỉ văn hóa, biểu tượng tinh thần tốt đẹp của người dân miền biển… Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam đã quyết định Bảo trợ Lăng Ông Nam Hải - Sông Đốc và ghi nhận công lao đóng góp của nhiều cá nhân trong suốt quá trình phát triển của lăng.

MỘNG THƯỜNG

Thưởng thức bánh bao Chà Là


   Không quá phô trương tiếng tăm, nhưng khi đến Đầm Dơi, nói đến bánh bao Chà Là, hầu như người nào cũng rành, bởi bánh do gia đình ông Nguyễn Hoàng Là, Bí thư Chi bộ ấp Chà Là (xã Trần Phán) làm ra, có hương vị thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi.
   Lò bánh của gia đình ông Là ở ngay bến tàu chợ Chà Là, khách tiêu thụ chủ yếu từ các cao tốc xuôi ngược tuyến Cà Mau - Năm Căn - Ngọc Hiển... Bà Nguyễn Thị Vui, vợ ông Là, cho biết: “Mùa nắng bán rất đắt hàng, có khi tới gần 1.000 cái/ngày. Công đoạn làm bánh rất công phu, gia đình tôi phải thuê 3 lao động phụ giúp công việc làm nhân, hấp bánh”. Không phải ngẫu nhiên mà lò bánh của ông Là tiêu thụ lượng lớn như vậy, bởi bánh có hương vị đặc trưng, bột bánh thơm, xốp, nhân bánh vừa lớn vừa ngon, người nào từng ăn qua sẽ khó quên khi so sánh với hương vị bánh bao ở các điểm khác.
   Theo ông Là, người đầu tiên làm bánh bao này ở đây là ông Lê Bé Hai. Ông Hai có thâm niên hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề làm bánh, nhưng do không chỗ bán ổn định nên ông Hai lên Bình Dương bán tại các khu công nghiệp. Đến nay, ông Là cũng có hơn 10 năm làm và bán bánh bao tại bến tàu. Ông Là chia sẻ: "Bỏ ra 10 triệu đồng học “bí quyết” làm bánh mà sống được cả đời cũng nên. Quan trọng khi làm bánh là ở các công đoạn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế mà lò bánh của tôi được chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ". Ông Nguyễn Bảo Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phán, cho biết: "Chúng tôi cũng rất vui khi địa phương có được lò bánh ngon, nổi tiếng khắp vùng. Tôi cũng có góp ý với ông Là nên thuê thêm nhân công, làm thêm bánh bỏ mối cho các điểm bán lẻ ở chợ, cũng như một số điểm lân cận, để nhiều người biết đến “thương hiệu” bánh bao Chà Là".

Lò bánh của ông Là mỗi ngày cho ra gần 1.000 cái.


Từ khâu bằm thịt, trộn nhân, nhồi bột... đều phải bảo đảm vệ sinh.

Danh tiếng của bánh bao Chà Là nhanh chóng vang xa bởi đa phần bán cho khách đi tàu cao tốc.
MỘNG THƯỜNG

Bia kỷ niệm ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ


   Bia kỷ niệm tọa lạc tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, với khuôn viên rộng 5.320m2. Công trình được khởi công xây dựng lại vào ngày 27-7-2012, với nhiều hạng mục: Bia ấn loát, phù điêu, bia ghi danh anh hùng liệt sĩ, ao cá… Với kinh phí trên 11 tỷ đồng do Bộ Tài chính.
   Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được thành lập theo Sắc lệnh 102/SL ngày 1-11-1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quyết định của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, được giao in ấn giấy bạc Việt Nam tại Nam Bộ với mệnh giá 1, 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500 đồng có biểu tượng hình Bác Hồ và biểu tượng công, nông, binh, trí. Tiền in ra được lưu hành khắp Nam Bộ đã góp phần xác lập chủ quyền đất nước trong công cuộc kháng chiến chống thực dân, làm nên trang sử kháng chiến Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.

Bia kỷ niệm được khởi công xây dựng lại vào ngày 27-7-2012.

Hồ nước trồng đước, loại cây đặc trưng của rừng Cà Mau.

Nhắc nhớ lịch sử hào hùng cho thế hệ trẻ.

Với khuôn viên rộng 5.320m2 sẽ là nơi dã ngoại, về nguồn lý thú cho các em học sinh và nhân dân trong tỉnh.
BAN MAI

Đêm thành phố cực nam tổ quốc

    Không ồn ào như nhiều thành phố khác, đêm TP. Cà Mau khiến ai một lần đặt chân đến đều cảm nhận được sự yên bình, dịu dàng.

    Gần chạm ngưỡng tuổi 16, vẻ đẹp của thành phố được vẽ nên bởi những công trình kiên cố, những con đường lung linh màu sắc, dòng sông trong lòng thành phố ngày càng được điểm trang...

   TP. Cà Mau hiền hòa như lòng người dân nơi đây, luôn nghĩa tình, hiếu khách. Du khách đến với Cà Mau, dạo một vòng qua các tuyến đường chính: Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Tất Thành..., từ không khí buôn bán của những quán cóc bên đường đến trung tâm mua sắm sầm uất, đều cảm nhận được sự thân thiện, nhiệt tình.
   Yêu sao mỗi thay đổi trên những cung đường mới. Tất cả đã chấm phá cho bức tranh thành phố trẻ ngày càng lộng lẫy.

Nằm ngay trung tâm thành phố, chợ đêm Cà Mau là điểm nhấn thú vị cho bức tranh nhiều màu sắc .

Lung linh dòng sông trong lòng thành phố.

Về đêm, những khu vui chơi rực sáng và sôi động.

Cung đường mới. Ảnh: VĂN ĐỜI

Rực sáng Cà Mau.
MT - KIỀU LOAN - VĂN ĐỜI

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 27: Đình thần Thới Bình




    Thới Bình thôn, có lẽ không nơi nào trên toàn cõi Cà Mau này mang nhiều dấu ấn của thời mở đất như vùng đất Thới Bình thôn này - một vùng đất quy tụ nhiều vẻ đẹp đài các của phụ nữ, vẻ đẹp kiêu sa của các cô gái… Tại sao ? Có nhiều lý giải cho những vẻ đẹp này, nhưng mọi giả thuyết đều nghiêng về một nghi vấn ! Phải chăng xưa kia do lánh nạn quân Tây Sơn nên chúa Nguyễn cùng đoàn tùy tùng và hơn ngàn cung phi, mỹ nữ về đây sinh sống và cứ thế cái gen đẹp kiêu sa, đẹp đài các cứ thế mà nhân rộng khắp vùng từ đời này sang đời khác, để ngày hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng những cô gái Thới Bình thôn đẹp người đẹp nết bên dòng sông Trẹm đầy huyền thoại. Có dòng sông thì có những con người định cư bên bờ những dòng sông như một tập tục của những cư dân vùng sông nước này. Có những xóm làng định cư thì cũng phải có một nơi để cho con người gởi gắm cõi tâm linh của mình vào đó, để sống có nhân có đức hơn. Bên dòng sông Trẹm của Thới Bình thôn cũng có một ngôi đình thần đã làm cách đây hàng trăm năm đó là đình thần Thới Bình.