Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 27: Đình thần Thới Bình




    Thới Bình thôn, có lẽ không nơi nào trên toàn cõi Cà Mau này mang nhiều dấu ấn của thời mở đất như vùng đất Thới Bình thôn này - một vùng đất quy tụ nhiều vẻ đẹp đài các của phụ nữ, vẻ đẹp kiêu sa của các cô gái… Tại sao ? Có nhiều lý giải cho những vẻ đẹp này, nhưng mọi giả thuyết đều nghiêng về một nghi vấn ! Phải chăng xưa kia do lánh nạn quân Tây Sơn nên chúa Nguyễn cùng đoàn tùy tùng và hơn ngàn cung phi, mỹ nữ về đây sinh sống và cứ thế cái gen đẹp kiêu sa, đẹp đài các cứ thế mà nhân rộng khắp vùng từ đời này sang đời khác, để ngày hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng những cô gái Thới Bình thôn đẹp người đẹp nết bên dòng sông Trẹm đầy huyền thoại. Có dòng sông thì có những con người định cư bên bờ những dòng sông như một tập tục của những cư dân vùng sông nước này. Có những xóm làng định cư thì cũng phải có một nơi để cho con người gởi gắm cõi tâm linh của mình vào đó, để sống có nhân có đức hơn. Bên dòng sông Trẹm của Thới Bình thôn cũng có một ngôi đình thần đã làm cách đây hàng trăm năm đó là đình thần Thới Bình. Theo tương truyền, sau khi thống nhất được giang san, Chúa Nguyễn nhớ về một vùng đất đã cưu mang mình trong hoạn nạn nên đã ban sắc Thần cho đình thần Thới Bình và từ đó hằng năm, cứ vào ngày 20 tháng 2 âm lịch thì người dân nơi đây mở sắc Thần của Vua ban mà cúng tế để cầu quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa…
 




    Cũng nên nhắc lại một số bậc tiền nhân của đình thần Thới Bình, đó là: Tiền hiền Nguyễn Đình Chung, Chủ ly Huỳnh Văn Tiến, Chủ sắc Lê Văn Hiền… (những vị chức sắc này còn được lưu truyền tại đình cho đến ngày nay) đó là những vị tiền nhân có công xây dựng nên đình thần để cho đến ngày hôm nay người dân Thới Bình thôn sống ở đôi bờ dòng sông Trẹm có một nơi gởi gắm cõi tâm linh cho riêng mình và cho cả cộng đồng…
 
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét