Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Lễ hội văn hóa ở Cà Mau

Hiện nay, dân số Cà Mau bao gốm các dân tộc Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm và một số ít các dân tộc khác. Bởi vậy, các truyền thống văn hóa, lễ hội nơi đây, có sự hài hòa văn hóa giữa các dân tộc.
Nét đẹp trong lễ hội Nghinh ông Sông Đốc

Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa của người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc gắn liền với tín ngưỡng và đền thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc.


Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong đó ngày 15 diễn ra nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ. Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông. Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự.

Lễ hội Kỳ Yên

Là lễ hội phổ biến của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, một sinh hoạt văn hóa tinh thân không thể thiếu. Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức hằng năm vào các ngày 15, 16, 17 âm lịch (tháng tổ chức phụ thuộc từng địa phương) khắp các đình làng Nam Bộ.


Mỗi làng ở Nam Bộ thường có một ngôi đình để thờ thần. Thần có thể là người có công lớn với địa phương được dân chúng lập đình thờ phụng, hoặc được nhà vua sắc tước ban tặng, hoặc nhân vật thần thoại được suy tôn. Những làng hẻo lánh chưa có đình thì bà con lặn lội sang làng kế bên dâng lễ.

Lễ cúng bắt đầu là lễ thỉnh thần về (ngày rắm) với nghi lễ rước kiệu về đình làng. Vật cúng là heo quay, mâm xôi lá cẩm tím, bánh hỏi trắng tinh. Theo sau đám rước là các đội múa lân và địa, tiếng trống vang lên rộn ràng lẫn trong tiếng nhạc lễ thâu đêm. Khách nào cúng xong, xuống trai đường ăn cổ làng, sau đó đi coi hát bội. Hát bội từ trưa cho đến tối, từ tối đến nửa đêm, qua bữa sau lại hát tiếp, vậy mà trên khán đài vẫn đông người xem.
Trong 3 ngày hội vui với thần linh, với con người, với tiếng đàn, tiếng trống, dân làng lại quay về làm ăn và chờ mùa hội năm sau.

(Nguồn: Theo mangdulich.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét