Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 13: Lăng Ông Nam Hải sông Đốc


    Cà Mau, một tỉnh có độ tiếp giáp với biển thuộc hạng cao của Việt Nam, cư dân miệt biển thường có những tín ngưỡng phù hợp với đời sống làm ăn thường nhật của mình. Vì thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy trên biển nên họ thường tin vào những đấng thiêng liêng vô hình và hữu hình. Cá Ông - một linh vật thường được người dân tin; khi tàu thuyền của họ gặp nạn, có nhiều chiếc thuyền bị đắm nhưng ngư phủ sống sót là nhờ Cá Ông đưa vào bờ...
    Sông Đốc ngày 15.7.1925, sau một đêm bão tố mịt mùng, một xác cá Ông (cá Voi) dài 20,3 m trôi dạt vào Vàm Xoáy được các ngư dân cao niên như: cụ Nguyễn Hữu Định, cụ Nguyễn Văn Học, cụ Mai Văn Lầu, cụ Huỳnh Văn Dỏng, cụ Nguyễn Văn Tiền, cụ Võ Văn Trí, cụ Phan Văn Vị đã thỉnh xác Ông Cá về Vàm Rạch Ruộng cất Lăng thờ cúng vị Ân ngư, người bạn đường của ngư phủ trên biển cả.
    Năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào làm cháy Lăng Ông, ngư dân Sông Đốc đã liều mình trong lửa đỏ để cứu hài cốt của Ông Cá, nhưng cháy hết chỉ còn 2 xương cạnh hàm của Ông Cá. Phần hài cốt đó cháy sém nên ngư dân đã quấn vải đỏ và lập Lăng mới tại Vàm Sông Đốc để tiếp tục thờ cúng Ông. Bên cạnh đó, ngư dân đã thành lập Vạn Lăng Ông để cùng nhau đoàn kết trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng bao gồm: các ngư phủ yêu nghề biển cùng các thương nhân kinh doanh, chế biến hải sản và các tiểu thương làm dịch vụ nghề cá cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm ngư nghiệp. Hiện nay, để quản lý và hằng năm làm Lễ Nghinh Ông nên Vạn dân đã bầu ra Ban Trị Sự Lăng Ông để đại diện ngư dân nơi đây trị sự và đối ngoại cho Vạn Lăng Ông và di dời Lăng Ông từ Vàm Sông Đốc về vị trí hiện nay, Lăng Ông đang tọa lạc tại khóm 2 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Chánh điện Lăng Ông Nam Hải


Xương cá Ông được người dân thờ phụng
    Với sự giúp đỡ của ngư dân thập phương, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Cà Mau, Lăng đã được nhiều lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp, trở thành một di tích lịch sử Văn hóa tôn kính, một biểu tượng tinh thần cao đẹp của ngư dân và ngành ngư nghiệp tỉnh Cà Mau. Một cõi tâm linh của cư dân miền biển Cà Mau.
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét