Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh: Bài 4: Thần Minh Miếu

    Người Việt từ ngàn năm xưa đến nay có một phong tục rất hay đó là lập miếu thờ Thần nơi mình ngụ cư. Thần có thể là một nhân vật chỉ có trong huyền thoại hay một linh vật có trong đời sống thường nhật, hoặc là một con người có thật bằng xương bằng thịt. Nhưng tựu trung, những vị thần đều có một đặc điểm chung là có công đức, độ trì cho cuộc sống của dân làng…Và cứ thế, những miếu thờ Thần có mặt ở những làng Việt trên khắp mảnh đất hình chữ S này.

    Trong hành trình về phương Nam, những cư dân đàng Ngoài đã chọn vùng đất Cà Mau làm nơi cư ngụ, phát triển và cũng lập Miếu thờ Thần. Năm Nhâm Ngọ (1886), Thần Minh Miếu được xây dựng tại Cà Mau, nay thuộc khóm 3, phường 4, thành phố Cà Mau.

Điện thờ ông Nguyễn Thiện Năng - Thần Minh
    Tương truyền rằng, Ông Nguyễn Thiện Năng, gốc người miền Trung văn võ song toàn, ngài rất hiền hòa và cương trực. Dưới triều Minh Mạng thứ 14 năm Tân Hợi (1831), Ông được vua phong làm tri huyện trấn tại Long Xuyên (Cà Mau ngày nay). Ngài chăn dân rất mực thanh liêm và nhân đạo.

Bình phong tượng Hổ ghi dấu thế võ mãnh hổ nan địch quần hổ của ông Nguyễn Thiện Năng
    Năm Ất Tỵ, trong nước có nhiều loạn lạc, Ngài lâm trọng bệnh. Tại đây có bọn phủ Liêm thừa cơ ấy nổi lên đánh phá huyện đường mong chiếm một cõi xưng hùng cho họ Quách. Ngài và phu nhân võ thuật rất cao minh cùng đoàn cận vệ khác lược thao, chiến đấu quyết bảo vệ tới cùng giữ an ninh cho dân chúng, nhưng thân mãnh hổ nan địch quần hồ, chống cự đến ngày mồng 6 tháng 7 năm Ất Tỵ (1835) thì thất trận. Ngài cùng gia cơ đều bị chết thảm hại ! Thi hài Ngài, phu nhân và con cái đều được chôn chung một hầm.
    Ông huyện Thiện Năng chết nhưng hồn thiêng Ông vô cùng hiển hách, kẻ thù của Ông luôn luôn bị nạn rất kinh hoàng. Chịu không nổi cách khủng khiếp kéo dài và gia bội, năm Nhâm Ngọ (1886), Hoa Kiều ở đây mới họp nhau lập nên ngôi miếu thờ Ngài để tỏ dạ tôn sùng và sám hối. Linh ứng thay ! Từ đó về sau, họ Quách trong vùng sống trở lại yên lành và thạnh mậu. Những người dân quanh vùng kề lại, Ngài thường hiển linh phò hộ cho dân làng làm ăn phát triển.

Bia đá ngay ngôi mộ cải táng Thần Minh và phu nhân 
    Năm 1901 (Pháp thuộc), ngay trong lễ cúng Ngài có ông Hương Trương Văn Đựng (như được hồn thiêng ngài nhập xác), lên giữa đàn tràng phát ngôn xướng vị và minh định rằng tự hậu giải oan cho họ Quách.
    Thần Minh miếu được người dân quanh vùng Cà Mau xưa và nay thờ tự cúng đường hằng năm, như để nhớ ơn một vị thần trong tâm linh họ...
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét