Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 14: Tân Hưng - Đình thần


    Cách thành phố Cà Mau 4km về phía nam, Đình Tân Hưng nằm sát  bờ kênh Rạch Rập ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau.
 

Phù điêu ghi dấu mặt trận Tân Hưng

    Đình Tân Hưng được xây dựng năm 1907, đình có sắc phong Bổn cảnh thành hoàng năm Tự Đức thứ 5, tức năm 1852.
 
    Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đình đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại vết tích là những tảng đá vuông kê chân cột. Về sau, để thờ một vị thần bổn mạng của cư dân quanh vùng nhân dân ở đây đã xây dựng lại một ngôi đình nhỏ hơn, khoảng 45m2 , trên một phần diện tích của ngôi đình xưa là Đình Tân Hưng mà ta thấy ngày hôm nay…
 

Bức bình phong trước cổng Đình ghi dấu tượng Hổ

    Đình có một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc gắn tượng đôi rồng chầu mặt trời. Gian giữa có cửa rộng gấp đôi của gian bên.
 
    Phía trước đình có một bức bình phong bằng gạch, hai bên có hai trụ gạch vuông, trên đỉnh trụ có hai bông sen đắp bằng vữa. Mặt ngoài bình phong vẽ hình một con hổ đang đi. Mặt trong bình phong viết chữ Hán “Thần Nông”, dưới có đặt một bàn thờ. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.
 

Đình Tân Hưng

    Kiến trúc có bốn cột chính rồi gắn các vì kèo gối trên các bờ tường gạch, không trang trí hoa văn, hai cột sau được sơn đen có khắc đôi câu đối khảm trai, hai cột ngoài để trơn.
 
    Gian giữa đặt bàn thờ thần xây dựng bằng vữa, chính giữa thành và chân quỳ đều có đắp hổ phù, trên bàn thờ đặt một tấm biển sơn đỏ chữ vàng, ở giữa viết chữ “Thần” bằng chữ Hán lớn. Hai bên là hai bàn thờ “Tả ban liệt vị” và “Hữu ban liệt vị”. Hằng năm cứ vào ngày 10, 11 tháng 5 âm lịch cư dân quanh vùng lại cúng đình để tưởng nhớ những tiền nhân khai phá ra vùng đất này…
 

Nhà lưu niệm Mặt trận Tân Hưng được xây dựng trong khuôn viên Đình Tân Hưng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

    Đình Tân Hưng còn là một di tích cách mạng. Từ năm 1930, các chiến sĩ cách mạng đã treo cờ búa liềm trên ngọn cây dương trước đình. Đình cũng còn là nơi hội họp, mít tinh trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, để ghi dấu di tích cách mạng này Ngành Văn hóa đã cho đắp một bức phù điêu và xây dựng một nhà Lưu niệm mặt trận Tân Hưng để nhân dân khắp nơi về đây thưởng lãm và nhớ về một truyền thống hào hùng của cha anh…
 
    Đình Thần Tân Hưng một cõi tâm linh của người dân vùng ven thành phố Cà Mau…
 
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét