Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 22: Chùa Ông Bổn (Tắc Vân) Phước Đức Chánh Thần


    Phước Đức Chánh Thần họ Trương tên Phước Đức, hiệu Liêm Huy sinh vào thời nhà Châu, đời Châu Võ Vương năm thứ 2 (năm 1110 trước công nguyên) ngày 2 tháng 2 âm lịch tại Trung Quốc. Lúc bảy tuổi Ngài đã thông thuộc cổ văn. Tư chất thông minh, diện mạo tuấn tú, tính tình hiếu hạnh, đôn hậu đãi người, luôn làm việc thiện, hòa mình cùng quần chúng, luôn quan tâm đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Năm 36 tuổi thời Châu Thành Vương năm thứ 24 (năm 1074 trước công nguyên), Ngài được bổ nhiệm chức tổng thuế quan của triều đình trông coi việc thu thuế, trong kỳ đương nhiệm Ngài yêu dân như con, đi sâu sát và rất am hiểu nỗi nghèo khổ của dân gian, đã làm nhiều việc thiện cứu giúp vô số người có hoàn cảnh khốn khó, nên rất được nhân dân tin yêu và kính phục.

    Đến đời Châu Mục Vương năm thứ 3 (1008 TCN), Ngài tạ thế hưởng thọ 102 tuổi, Sau khi qua đời 3 ngày, thi thể không có gì biến đổi, râu tóc vẫn tốt tươi, da thịt hồng hào, gương mặt phúc hậu như lúc còn sống, mọi người nghe tin đều kéo đến chiêm ngưỡng và coi đó là điềm lạ trên đời.
    Có gia đình khốn khó nọ, nhớ lại lúc sinh thời, Ngài Phước Đức làm quan liêm chính luôn tạo phúc cho dân gian, bá tánh người người cảm tạ ân đức, nên đã dùng bốn khối đá to, một khối làm nóc, ba khối làm vách, đề tên là Phước Đức vì Ngài làm quan công chánh, nên ghi là Phước Đức Chánh Thần ngày đêm cúng vái, lại có người nghèo dùng cái lu để thờ cúng Ngài Phước Đức. Chuyện truyền đến tai tên tham quan, hắn cho người dò xét và cười cợt không thôi, người nghèo nọ chẳng màng, lại đáp rằng : “Có tiền có thất trú Đại Đường, không tiền không ốc ngụ trong lu”, và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu.

    Và điều kỳ tích đã đến, những người khấn cầu tin tưởng Phước Đức Chánh Thần, không lâu sau từ gia cảnh bần hàn, đều trở nên giàu có, nguyên do là liên tiếp được mùa, thu hoạch gia tăng, người người mạnh khỏe, bổn cảnh khang thái. Để đáp lại sự phò trợ của Phước Đức Chánh Thần, dân chúng tập trung góp công sức vật liệu xây dựng ngôi miếu đường tráng lệ, sau khi xây xong lại đúc tượng uy nghiêm an vị ngay chánh đường để bá tánh đến chiêm bái, kể từ đó thần tích hiển linh phò trợ dân chúng.

    Thời cổ đại Trung Quốc, khi Phật giáo chưa có thì các nơi đều thờ thần vị là “Thổ Địa Công” vì ở đâu có đất là có thần, bất luận ở nơi nông thôn hay phố thị trăm ngả ngàn phương, nơi nơi có miếu thờ thổ thần, phụng xưng Phước Đức Chánh Thần hoặc Hộ Thổ Thần, người buôn bán thương mại được chiêu tài tấn lộc, bá tánh được ban phước lành, thăng bình thạnh thế, vạn sự như sở cầu, nhất là người thương buôn lòng sùng bái và cúng tế nhiều nhất trong một năm, mỗi tháng vào các ngày mồng 2 và 16 âm lịch, đồ dâng cúng rất thịnh soạn các thứ sơn hào hải vị, trà rượu hoa quả thành tâm khấn vái, cầu được tiếp phước nghinh tài, (theo âm Triều Châu gọi là chóa ghế), mồng 2 tháng giêng gọi là “thào ghế”, mồng 2 tháng 2 gọi là “nha lễ”, để cầu khánh thọ cho Phước Đức Chánh Thần, 16 tháng chạp gọi là “buối ghế”; vào ngày này các giới thết tiệc và mời người quen thân thuộc đến tham dự lễ cúng đáp tạ thần ân đã phò trợ đạt được thành quả tốt đẹp trong một năm qua.

    Phước Đức Chánh Thần không chỉ được tôn kính tại Trung Quốc mà tất cả người Hoa, dù đang cư trú hay làm ăn nơi hải ngoại, dân chúng các nước Đông Nam Á, đều có lập miếu an thần vị đúc kim thân lòng thành tin tưởng, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vạn sự như ý.
    Sự tích đến nay đã hơn 3000 năm. Lịch sử lâu dài, tiếng thơm sẽ còn lưu truyền đến muôn đời sau.
    Ngày nay tại Tắc Vân Cà Mau cũng có ngôi miếu thờ ông Bổn - Phước Đức Chánh Thần, ngôi miếu này có đã từ lâu, trước kia xây dựng bên kia sông, nhưng đến năm 2005 được bá tánh trong và ngoài nước quyên góp xây dựng tại ấp 3 xã Tắc Vân để tiện việc đi lại cúng dường của cộng đồng dân cư quanh vùng. Đây cũng là một cõi tâm linh không chỉ riêng của người Hoa mà cả cộng đồng dân cư nơi đây.
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét