Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh: Bài 20: Cảnh Phước Miếu (chùa Ông Bổn)


    Ông Bổn là ai? Theo sử Tàu ghi rõ: đời Vĩnh Lạc (1403-1424) vua Tàu sai quan Thái giám tên là Trịnh Hòa đi điều tra các nước ở miền Đông Nam Á. Quan Thái giám tuân lệnh, tìm cách liên lạc với những người Hoa kiều hải ngoại, chăm sóc đến đời sống của họ, dạy họ phải giữ thuần phong mỹ tục. Chuyến trở về, quan Thái giám mua ngọc ngà châu báu, các sản phẩm miền nhiệt đới từ Ấn Độ, Nam Dương quần đảo, Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm, Việt Nam đem về dâng cho vua. Khi đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, thi ân bố đức, giúp giới Hoa kiều tìm sinh kế.
    Sau khi ông mất, giới Hoa kiều hải ngoại nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Vua Tàu phong sắc cho ông chức tước “Bổn Đầu Công” gọi tắt là ông Bổn. Ngày nay, những xóm đông đảo người Hoa ở Cà Mau, còn nhiều người thờ ông Bổn và nhắc lại sự tích ông Bổn đi chẩn bần thời xưa.


    Tại Phường 8, Tp.Cà Mau đã tồn tại từ lâu một ngôi chùa tên gọi là CẢNH PHƯỚC HIẾU mà dân gian thường gọi với cái tên trìu mến là CHÙA ÔNG BỔN. Xưa kia cách đây khoảng 200 năm, chùa này là của người Phước Kiến lập ra, trước kia làm bằng ngói, có bị hư, sau này sửa lại bằng lá, phía trước nhìn vào là một cái thảo bạc, chùa lợp bằng lá gồm một căn và hai chái. Ngó lên phía trên ta thấy có một tấm biển viết bằng ba chữ Hán lớn kích thước như sau: cao 8 tấc dài 1m50 bằng gỗ dầy. Ngoài có hoa văn, trong có sơn son thếp vàng. Ba chữ nho này tức là hiệu chùa CẢNH PHUỚC HIẾU. Vô trong độ một mét rưỡi, trên một cái bảng có 4 chữ là PHƯỚC ĐỨC CHÁNH THẦN. Trên bàn có một cái lư hương hình vuông làm bằng đá có quai hai bên, nặng khoảng 5kg, trước lư hương là một cái giá ngang độ 3 tấc, cao khoảng 3 tấc 5, có đầu hai con rồng đưa ra gác lên cuộn nhiễu dài 4 tấc. Phía trong cuộn nhiễu này có hai ống tre, khi rút trong ống tre ra có một cuộn giấy màu vàng hơi dầy, tháo ra coi thì là hai cái sắc thần của nhà vua Tự Đức phong tặng sắc này nghe nói một hai chục năm mới mở ra cho chức sắc và hội viên xem để biết.
    Trong khuôn viên chùa có một gốc cây, nghe nói cây này là gốc của cây gỗ hương, phía ngoài trùm một miếng vải điều, nếu có ai đau bụng, đến trước bàn phía dưới vái ông Hổ, xin ít lát cây đem về nấu nước uống, bệnh sẽ lành, khi đẽo cây này ra có mùi thơm ngon, màu vàng lợt hơi có dầu.
    Bên trong ngay giữa có một cái khánh lớn chạm trổ màu vàng, thêu bông hoa. Giữa khánh là hình tượng của Ông Bổn, mới ngó như một vị quan đại thần mặt đỏ, râu bạc ngồi trên ghế bành, áo màu đỏ, đường nét thêu màu vàng, trên đầu có đội một cái mão, hai bên có một cặp gươm đao. Hai bên bàn thờ ông Bổn có thêm hai bàn thờ, bên trong nhìn ra bên phải là thờ Tiên Sư, bên trái thờ Tiên Hiền, Hậu Hiền…
    Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, chùa này trở thành trụ sở của Đoàn thanh niên Cứu quốc của địa phương, có nhiệm vụ lấy tin tức về phổ biến cho xóm biết, tập võ bị cũng tại nơi này. Lập một trung đội, ông Trần Văn Nhàn làm chỉ huy trưởng, bảo vệ an ninh trật tự cho đến ngày mất. Sau những năm kháng chiến vào năm 1954, khi những người dân trở về thì chùa không còn nữa, chỉ còn lại là khu đất trống. Bà con chòm xóm tìm người làm lại cảnh chùa và cùng nhau vận động lập lại cảnh chùa. Dần dần chùa ông Bổn sung túc trở lại và những vị có công sức, tiền của lần lượt quy tiên. Từ năm 1975, chùa bắt đầu xuống cấp và đến năm 1993 trở thành chùa hoang vì không có ai chăm sóc. Ông Năm Của, chú Ba Sanh, cô bác anh em có lòng thương mến và nhất là chính quyền phường 8 đã tu bổ sửa chữa lại có phần tốt hơn. Xóm Rạch Rập ngày xưa và cho đến ngày nay cứ mọi cuộc vui chơi lễ lộc đều quy tụ ở sân chùa, người dân từ xưa rất tôn trọng thần linh và giữ gìn những phong tục tốt đẹp. Hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 3 âm lịch thì cư dân quanh vùng tổ chức lễ Vía Ông Bổn - một nét tâm linh của người Hoa tại Cà Mau.
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét