Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh - Bài 18: Tân Thạnh - đình thần


    Cũng như bao làng quê khác trên mảnh đất hình chữ S này, những cư dân người Việt ngụ cư bên dòng kênh Rạch Rập, thuộc ấp Xóm Lớn xã Lý Văn Lâm Tp.Cà Mau cũng tìm được cho mình một vị trí đắc địa nhất làm chốn thờ phượng vị Thần hoàng của mình - Tân Thạnh đình thần nằm ngay bên con kênh Rạch Rập thơ mộng.



Đình thần Tân Thạnh


Thần Hổ được làm bình phong của Đình thần


Theo quan niệm dân gian, linh vật này được gọi là Ông Tà và được thờ cúng trong đình

    Được biết, Tân Thạnh đình thần được người dân nơi đây xây dựng vào năm 1936. Khi đó, đình thần được xây bằng gỗ để thờ vị thần độ mạng cho mình. Nơi đây còn làm nơi hội họp của làng sau những ngày lao động khẩn hoang… Truyền thuyết kể lại rằng: Khi vùng đất này còn hoang vu thì lâm tặc, thảo khấu hoành hành rất dữ, người dân phần thì lo thảo khấu quấy nhiễu, phần thì sợ những loài thú dữ luôn rình rập khắp nơi. Một hôm  một vị bô lão nằm chiêm bao thấy một vị thần xuất hiện chỉ bảo cách chọn đất lập đình để thờ vị thổ công nơi đây. Đồng thời chỉ cho vị bô lão này biết cách chạm hình Hổ ngay bình phong đình để trấn không cho những loài cầm thú hay quỷ dữ xâm hại dân làng (bức bình phong tạc hình Hổ ngày nay vẫn còn)… Thế là Tân Thạnh đình thần được người dân ấp Xóm Lớn ngày đó dựng lên. Cũng theo lời kể của những vị bô lão nơi đây: Trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây là vùng giáp ranh nên lính Sài Gòn ra sức tàn phá dữ dội. Vào năm 1973, trong một trận càn của lính Sài Gòn vào nơi đây, chúng phá tan hoang ngôi đình rồi kéo nhau ra về. Người dân vô cùng căm phẫn. Thế nhưng ngày hôm sau cũng chính tốp lính Sài Gòn này lục tục kéo nhau vào cùng tôn, cây, lá… dựng lại ngôi đình, cúng bái lia lịa. Hỏi ra mới biết, đêm hôm trước tên chỉ huy toán lính này nằm mộng thấy bị thần hoàng trừng phạt.


Chiếc mõ được dùng trong những lúc cúng đình


Điện thờ

    Những lời kể có thể đúng, có thể do thêu dệt mà nên. Điều này không có nghĩa gì. Nhưng người dân ấp Xóm Lớn nơi này có một ngôi đình mà họ xây dựng lại sau này để mà hướng tâm linh mình vào đó, có một nơi mà cứ độ ngày 10 tháng 5 âm lịch là tụ họp nhau về cúng đình, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho những vụ mùa bội thu…

Bài và ảnh: DIỆU MINH – TUỆ NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét