Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh: Bài 1: Chùa Monivongsa Bopharam

    LTS: Hiến pháp Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của người dân. Cà Mau từ những ngày xưa, từ cái thuở cha ông ta hành phương nam để mở mang bờ cõi, tìm kiếm những vùng đất mưa thuận gió hòa cho cư dân của mình ngụ cư làm ăn sinh sống. Cũng là lúc ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng nhau sinh sống trong một cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau và họ cũng có những cõi tâm linh riêng của dân tộc mình  những cõi tâm linh mang đậm hơi thở người và đất phương nam…Người Kinh thờ thần, thánh với đền, miếu; chùa thờ Phật; với đạo Thiên Chúa có nhà thờ. Người Hoa có thể thờ Miếu Bà, Chùa của dân tộc Hoa… Người Khmer thì có một nét văn hóa cộng đồng độc đáo cho riêng dân tộc mình với những chùa Phật, những Sala để cùng nhau sinh hoạt cộng đồng…
    Nhằm giúp bạn đọc có một góc nhìn khái quát về những nét văn hóa tâm linh của ba dân tộc sinh sống trên vùng đất Cà Mau này, kể từ hôm nay, Báo ảnh Đất Mũi lần lượt đem đến bạn đọc những hình ảnh và thông tin thú vị về văn hóa tâm linh nơi vùng đất cực nam Tổ quốc.
    Muốn tìm hiểu một cách sâu sắc và tỉ mỉ về bản sắc văn hóa của người Khmer, bạn hãy ghé ngôi chùa của họ, chùa Monivongsa Bopharam, nơi hội tụ của những yếu tố về văn hóa và tâm linh của dân tộc Khmer tại Thành phố Cà Mau. Chùa Monivongsa Bopharam là ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Chùa được xây dựng vào năm 1964 do ngài Đại đức Thạch Kên đứng ra kêu gọi Tăng tín đồ phật tử xây dựng. Nhìn chung ngoài vị tăng trưởng đầu tiên xây dựng được một Chánh điện, Sala giảng đường, Cóc ở chư tăng, Nhà ngọ thực, tiếp đến những kế thừa từ đời trụ trì Hà Mel đến đời trụ trì Kim Châu tiến độ thăng trầm nên xây dựng không đáng kể, có lúc dậm chân tại chỗ vì điều kiện kinh tế và tài chánh...

Chánh điện chùa Monivongsa


Những bức phù điêu được chạm trổ công phu
    Vào năm 1985 Đại đức Thạch Hà kiêm giữ trụ trì đến nay có nhiều biến chuyển xây dựng lớn, cũng nhờ vào đồng bào phật tử trong nước cũng như nước ngoài mến mộ nhiệt tình ủng hộ đóng góp xây dựng và hiện nay đang khẩn trương hoàn thành một chánh điện hoành tráng với kiến trúc độc đáo.

    Quan sát trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer, đó là những thử thách đối với phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Chùa Monivongsa Bopharam mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Đối với chùa Khmer, chánh điện thường quay về hướng đông vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ tây sang đông.

Sala chùa Monivongsa
    Thông thường, ở đâu có chùa thì đồng bào Khmer tập trung ở xung quanh để học chữ, học giáo lý và học nghề. Vì vậy nên họ ví ngôi chùa là "trung tâm văn hóa của người Khmer". Chính vì sự gắn bó mật thiết như thế nên họ rất tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Đối với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao. Ngôi chùa vừa là nơi thiêng liêng nhưng rất gần gũi. Nơi đây như là mái nhà chung, đùm bọc và che chở họ. Một cõi tâm linh độc đáo của người Khmer thành phố Cà Mau…
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: THẠCH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét