Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Lễ Kỳ Yên ở đình Tân Trạch


    Cũng giống như bao vùng khác ở đất Nam Bộ, cứ vào tháng giêng hằng năm, sau khi đón Tết Nguyên đán vui vẻ, đầm ấm bên người thân, các tín đồ phật tử Cà Mau lại lũ lượt đèn nhang, hoa trái… kéo nhau đến chùa, đình trước là cúng Phật, Linh Thần cầu phúc cho gia đình mạnh khỏe, an lành, làm ăn phát đạt, sau là cầu cho mưa thuận gió hòa, bá tánh được mùa màng sung túc ấm no.
    Xã Hòa Thành, Tp.Cà Mau là địa phương có rất nhiều chùa chiền, nhà thờ họ đạo. Những nơi thờ tự này không chỉ nổi tiếng bởi nét kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đất và người Cà Mau, mà còn có giá trị hơn với nhiều ngôi chùa, đình đã trên 100 năm tuổi. Điều đó chứng minh rằng, từ lâu, dấu chân của ông cha ta đã in trên vùng đất này. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, khẩn hoang, mở mang bờ cõi của ông cha xưa sẽ mãi là thứ tài sản bất hủ. Trong khối tài sản to lớn ấy hàm chứa một phần tài sản của đời sống tâm linh vô cùng phong phú, mà con cháu đời sau đã, đang ra sức tôn tạo và giữ gìn. Đình thần Tân Trạch (còn gọi là Đình ngoài), thuộc ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, Tp. Cà Mau là một trong những nơi như thế.

Học trò lễ, một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày cúng.


Đình Tân Trạch vừa được sửa sang. 


Mở Sắc Thần, đây là nghi lễ khá đặc biệt, bởi Sắc Thần chỉ được mở một lần/năm trong ngày cúng để người dân có dịp chiêm ngưỡng.
    Nằm cạnh con sông Xóm Chùa, hai bên là dân cư sống đông đúc bình yên, đình thần Tân Trạch là một biểu tượng tinh thần vững chãi cho cộng đồng cư dân ở đây. Theo sách sử ghi lại và qua lời kể của những người lớn tuổi, ngôi đình này trước đây được gọi là đình An Trạch, được xây dựng đã trên 100 năm. Vào đời vua Tự Đức, có một vị võ tướng song toàn, trung với nước, hiếu với dân tên là Lê Vân Khiêm, vì căm thù giặc, ông đã từ miền Trung vào Nam tập hợp nghĩa quân đánh đuổi ngoại xâm để giành tự do, độc lập. Đất Hòa Thành, nơi có ngôi làng nhỏ ven sông tên gọi An Trạch đã in dấu chân ông. Dân làng ở đây thấy ông có tài đức, họ tình nguyện theo ông giết giặc. Đánh nhiều trận và thắng lớn đã làm cho tên tuổi ông Lê Vân Khiêm nổi tiếng khắp vùng. Ghi nhận công lao hạng mã vào sinh ra tử, ông được vua Tự Đức phong Sắc ấn. Khi ông qua đời, tưởng nhớ đến công lao của vị tướng này, dân làng An Trạch đã lập đình thờ cúng, theo thời gian, ngôi miếu được trùng tu, sửa sang bằng công sức của các nhà hảo tâm, bá tánh khắp nơi trở thành đình thần mang tên mới Tân Trạch vào năm 1978. Hằng năm, cứ vào ngày 17- 18 tháng giêng, Ban quản trị đình thần Tân Trạch, nhân dân địa phương và các vùng lân cận lại tề tựu về ngôi đình để cúng lễ, tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc.
CHÍ BẮC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét