Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc



    Trong 3 ngày (14-16.2 âl), tại Lăng Ông thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) diễn ra Lễ hội nghinh Ông lần thứ 87, nhằm tôn vinh cá Voi, loài cá khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng”, được ngư dân tôn kính gọi là cá Ông. 

Chánh lễ, chánh vạn, học trò lễ, cùng các cung nữ làm lễ rước Ông


Lễ Nghinh Ông với sự tham gia của hàng trăm chiếc tàu, hàng ngàn ngư dân reo hò, cổ vũ

    Theo truyền thuyết, cá Ông từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát chết trênm đường bôn tẩu trốn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn bằng đường biển về phía Nam, nên được vua Gia Long ban sắc phong “Nam Hải tướng quân Ngọc lân thượng đẳng thần”.
    Còn ở Sông Ông Đốc, ngày 15.7.1925, trong một đêm giông bão, sóng to, gió lớn, có một xác cá Ông dài 20,3m trôi dạt vào Vàm Xáng, Sông Đốc. Ngư dân trong làng chài gồm các cụ: Nguyễn Hữu Định, Nguyễn Văn Học, Mai Văn Lầu, Huỳnh Văn Dỏng, Nguyễn Văn Tiền, Võ Văn Trí và cụ Phạm Văn Vị đã thỉnh xác cá Ông về vàm Rạch Ruộng (cách Sông Đốc 3km) dựng lăng thờ cúng vị ân ngư. Năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào lăng làm cháy Lăng Ông. Ngư dân Sông Đốc đã liều mình trong lửa để cứu hài cốt nhưng ngọn lửa quá lớn đã cháy hết phần xương, chỉ còn hai hàm của cá Ông. Phần hài cốt cháy xém được ngư dân quấn vải đỏ, lập lăng mới ở Vàm sông Ông Đốc thờ cúng. Năm 1960, chiến tranh diễn ra ác liệt, buộc phải di dời Lăng Ông từ vàm sông Ông Đốc về vị trí ngày nay.

Lễ Nghinh Ông diễu hành qua các con đường lớn ở thị trấn Sông Đốc


Long đình – nơi đặt bài vị để rước Ông
    Nghinh Ông, một phong tục lâu đời của người dân miền biển; là lễ hội dân gian truyền thống được gìn giữ, lưu truyền gần trăm năm qua. Còn theo ngư dân Sông Đốc, đây là dịp phô trương đoàn tàu đánh bắt thủy sản hùng mạnh (hơn một nghìn chiếc), thể hiện sự đoàn kết thống nhất của ngư dân khi đương đầu với biển cả.
    Lễ nghinh Ông Sông Đốc được tiến hành đúng 12 giờ trưa, diễu hành qua thị trấn đến bến cảng, sau đó xuống tàu ra biển. Với sự tham gia của hàng trăm chiếc tàu, hàng ngàn ngư dân reo hò, cổ vũ cùng với đoàn lân, trống, học trò lễ, các đoàn kỵ binh “tôm, cua, cá”... Đoàn tàu thủy lực dẫn đầu chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối. Đến làn ranh giới nước trong, Chánh lễ khấn vái, xin keo (ba lần). Khi xin được keo, mọi người vui mừng hò reo, trống chiêng rộn ràng, náo nhiệt. Thời điểm này, Ban tổ chức thả những giống loài thủy sản về biển cả, nhằm bảo tồn, tái tạo giống loài sinh sôi, nảy nở. Nghi thức rước Ông được thể hiện bằng việc múc những lọ nước biển trong xanh trao cho các học trò lễ mang về Lăng Ông thờ cúng.

Nơi thờ cúng bộ xương cá Voi (cá Ông) ở Lăng Ông Sông Đốc
    Theo ngư dân Sông Đốc, thời điểm rước Ông về lăng là thời khắc thiêng liêng nhất. Mọi nhà bày biện cúng tế, thể hiện lòng tôn kính Ông Nam Hải, đồng thời cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt trúng nhiều tôm cá, làm ăn phát tài, gia đình sung túc. Đây là niềm tin tích tụ từ ngàn đời, đức tin ấy đã ăn sâu vào tâm trí của ngư dân xứ biển.
    Lễ hội Nghinh Ông năm nay, ngoài các hoạt động văn hóa, các trò chơi thể thao dân gian, còn có sự góp mặt của Đoàn cải lương Hương Tràm về phục vụ miễn phí cho bà con, với hai suất diễn ca nhạc tổng hợp và trích đoạn cải lương (đêm 14-15 âl), thu hút hàng vạn lượt khách đến với lễ hội, tạo đà thúc đẩy cho du lịch Cà Mau phát triển.

HUỲNH LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét