Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Chuyện "Cây vú sữa Cà Mau"



    Năm 1997, trong chuyến đi thực tế về miệt U Minh, đoàn văn nghệ sĩ, tác giả - đạo diễn thành phố Hồ Chí Minh ghé thăm xã Trí Phải -  kinh Chắc Băng. Bí thư huyện ủy Thới Bình, chị Tám Xem và Chủ tịch huyện, anh Bảy Đạt hồ hởi khoe với đoàn câu chuyện đặc biệt để các nghệ sĩ khai thác đề tài “Trông cây lại nhớ đến Người”.

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa Cà Mau - Ảnh: T.L




Đền thờ Bác Hồ ở Đầm Dơi khánh thành năm 2006
    Đó là một cây vú sữa đang độ mơn mởn có lý lịch trích ngang  mang tính lịch sử:  Cây vú sữa này là một cây con được chiếc ra từ cây “mẹ” vốn trước kia - cuối năm 1954  cũng là cây vú sữa con trong vườn gia đình bà má ở xã Trí Phải (Chắc Băng) gởi tàu chuyển quân tập kết ra Bắc, dâng tặng Bác Hồ để hằng ngày Bác được gần gủi hình ảnh miền Nam. Tự tay Bác nâng niu chăm sóc hàng ngày, đến  vụ thu hoạch trái xum xê đầu mùa, Bác cho hái và gởi biếu cán bộ lão thành miền Nam đang công tác ở Hà Nội. Từ  đấy, mọi người xúc động khi thấy trên trang báo hình ảnh Người đang xới đất đánh gốc vú sữa như thấy chính mình được chăm sóc. Sau 41 năm (1954-1995) cây vú sữa con năm xưa “tập kết” ra Bắc và lớn lên theo thời gian trở thành cây vú sữa “mẹ” tàn lá rậm rạp xanh tươi, được “Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh” chiếc cây con gởi tặng lại xã Trí Phải - Cà Mau (nay là xã Trí Lực) nhân kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Anh em văn nghệ sĩ trước và sau giải phóng, từng viếng lăng Bác và tham quan nhà sàn nơi Bác ở và làm việc có  cây vú sữa Cà Mau, nhớ đến tình cảm Bác Hồ  đau đáu hướng về “miền Nam trong trái tim tôi”  từ ngày đầu Nam bộ kháng chiến, là đề tài vĩnh cữu trong sáng tác. Đã có hàng trăm ca khúc ngợi ca, suy tôn Người -“Hồ Chí Minh cứu tinh của dân tộc Việt, dẫn dắt đoàn con vượt hết muôn ngàn trùng nguy...” (Hồ Chí Minh cứu tinh của dân tộc Việt của Phạm Công Nhiều), và “Tôi hát  ngàn lời ca bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển đông, êm đềm hơn những dòng sông...” (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường), vì “Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người. Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi” (Miền Nam nhớ mãi ơn Người của Lưu Cầu) và rưng nhỏ lệ, bước vào nơi an nghĩ của Người, “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đã thấy trong sương hàng tre bát ngát, ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam, giông tố mưa sa đứng thẳng hàng...” (Viếng lăng Bác của Viễn Phương, nhạc Hoàng Hiệp).

Các em học sinh xã Trí Lực tham quan tìm hiểu, học tư liệu về Bác Hồ


Bà Nguyễn Thị Bảy, dâu của Mẹ Sảnh hiến 1000 m2 đất để xây dựng bia kỷ niệm ngay tại cây vú sữa miền Nam tặng Bác Hồ
    Cảm xúc trào dâng khi nhìn cây vú sữa con chiếc ra từ cây vú sữa  mẹ cạnh nhà sàn của Bác “hồi kết”, soạn giả Phi Hùng sáng tác một lớp “Phụng Hoàng” và hai lớp vọng cổ cho 2 nhân vật ông và cháu ca, tựa đề Cây vú sữa Cà Mau thấm đậm tình cảm nhân dân đối với vị Cha già dân tộc kính yêu. Người ông ca:
    Câu 1.  
    “Bốn mươi ba năm trước, cây vú sữa Cà Mau theo đoàn tàu ra đất Bắc... Dân miền Nam kính dâng lên Bác bằng tấm lòng thủy  chung son sắt chúc thọ cha già.
    Cây vú sữa Cà Mau là hình ảnh một nửa quê nhà.
    Bác chọn hướng Nam cạnh nhà sàn của Bác trồng cây vú sữa của đồng bào cuối vùng Tổ quốc thân yêu. Để Bác được nhìn cây vú sữa mỗi sáng mỗi chiều, như được nhân dân miền Nam  mong đợi Bác. Bác tự tay vun phân tưới nước, vì trồng cây hay trồng người  cũng cần phải dày công chăm sóc.
(Cháu ca)
    Câu 2.
    Nghe nội kể cháu mới hiểu. Lòng Bác Hồ thương dân miền Nam như biển như trời... Bác đã hy sinh gian khổ một đời...
    (Người ông tiếp)
    Nay cháu lớn khôn sống trong hòa bình, độc lập, phải biết thương người như Bác hằng mong. Như cây vú sữa vẫn lớn lên giữa gió rét mùa đông, vẫn cho trái ngọt dù Bác không vun phân tưới nước. Nhưng công sức của người từ những ngày đầu khó nhọc, uống  nước phải nhớ nguồn  như lời dạy  người xưa”.

MINH TRỊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét