Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Nghiệm sinh khóc, cười nơi đất phương Nam


     Nơi tận cùng đất nước Việt Nam xuất hiện hai nghệ nhân dân gian: Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) sinh năm 1884 và Cao Văn Lầu (bác Sáu Lầu) sinh năm 1892. Thời còn là tỉnh Minh Hải, hai bác được xem là người đồng tỉnh. Đến năm 1997 sau khi tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, bác Ba Phi thuộc về tỉnh Cà Mau, bác Sáu Lầu thuộc về tỉnh Bạc Liêu.
 
Bàn thờ Bác Ba Phi. Ảnh: Lê Nguyễn
 
     Cùng sinh ra vào thời đoạn cuối của lịch sử khai phá đất phương Nam; khi mà vùng đất chồm mình chót vót ra biển Đông đã chính thức có tên trong địa bạ triều Nguyễn. Đó là giai đoạn chuyển từ kỹ thuật đào xẻ kênh bằng tay kiểu kênh Vĩnh Tế - Châu Đốc của Thoại Ngọc Hầu sang đào kênh bằng xáng của chính quyền thực dân Pháp xẻ dọc xẻ ngang, với tốc độ khai thác thuộc địa, dùng mồ hôi nước mắt dân Nam để tháo phèn-rửa mặn !
 
    Đầu năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ra đời Dạ cổ hoài lang (tiền thân bản Vọng cổ), Sở VHTT tỉnh Minh Hải tổ chức Hội thảo khoa học về nghệ nhân Cao Văn Lầu. Ngày 29-11-2002 Sở VHTT tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học chuyện kể bác Ba Phi.
 
    Một vua hài Ba Phi chuyên nghĩ ra lắm kế nhiều trò để gieo tiếng cười cho thiên hạ, bằng khẩu khí của đất trời phương Nam: phóng khoáng, chan hòa. Một vua bi Sáu Lầu chuyên bộc bạch tiếng tơ lòng để gieo nỗi hoài cảm dân tộc bằng tâm cảnh của đất trời phương Nam: tiết liệt, nghĩa tình. Mưa nắng là chuyện của trời/ Khóc cười là chuyện của người thế gian. Hai con người với độ chênh tuổi tác hơn thập niên ấy, chỉ là chơi thôi, nhưng đã để lại cho đời tinh huyết của mình. Tiếng cười, tiếng khóc ấy xuyên qua thế kỷ XX, thượng thọ trăm năm, là tiếng biển tiếng rừng vang xa khắp vùng, khắp nước...
 
1- Tiếng khóc đậm đà bản sắc dân tộc nên trường sinh:
    Nỗi bi phẫn trong Dạ cổ hoài lang là duy nhất theo nghĩa độc bản không lặp lại; cho dù đã có nhiều người minh định đó là bản cổ nhạc tiền thân của bài Vọng cổ về sau. Từ Dạ cổ hoài lang biến cải thành Vọng cổ, là hiện tượng hợp quy luật dị bản của dòng văn nghệ dân gian. Nhưng Vọng cổ thì thiên hạ thoải mái đặt lời ca mới, còn Dạ cổ thì không, chỉ một lời duy nhất : "Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng... Vào ra luống trông tin nhạn...". Tại sao? Đã có vài công trình nghiên cứu về đờn ca tài tử, nhưng xem ra các tác giả mải lo "xào nấu, copy lẫn nhau", chưa ai thử tìm cách giải thích hiện tượng ấy. Hiện tượng của một tiếng khóc sẽ là mãi mãi, hậu thế không ai dám đặt lời mới cho bài Dạ cổ ! Nghe nói, vào khoảng năm 1938 có người thử đặt lời 2 thế này : "Từ là từ đêm tối. Phủ kín bóng đen lên xóm làng... Nhà xiêu, xóm thôn hoang tàn...". Lần thử nghiệm chính trị hóa bài Dạ cổ hoài lang ấy đã không tồn tại!
 
    Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh rối ren, loạn lạc nhất của dân tộc (1740-1742) được lưu truyền bằng bản diễn ca của nữ danh sĩ Đoàn Thị Điểm. Dạ cổ hoài lang là một "Chinh phụ ca" ra đời đầu thế kỷ XX ở phương Nam. Chợt nhớ núi Lạng Sơn còn tự nắn tượng Hòn Vọng Phu ngàn đời trước, để nhạc sĩ Lê Thương cảm tác liên tục 3 bản nhạc Hòn Vọng Phu cực hay. Những nghệ sĩ tài hoa, những điệp trùng núi non ấy cũng ghi tạc về một phụ nữ trông chồng. Chợt nhớ hình dáng Việt Nam cong mình ra biển Đông cũng là nhân dạng người phụ nữ.
 
    Vậy nên, từ một bài thơ phú của nhà sư Nguyệt Chiếu với 20 câu. Dạ cổ hoài lang đã được bác Sáu Lầu "phổ nhạc" (?) Không từ nhạc viện mà từ dân gian thuần khiết, trong một đêm thanh vắng nào đó ở miền biển lộng xứ Bạc Liêu, một tiếng thở than đậm hồn dân tộc, nên hòa vào dòng chảy văn hóa trường sinh.
 

Đoàn làm phim TP. HCM đang thực hiện những thước phim tư liệu về Bác Ba Phi. Ảnh: Lê Nguyễn

2- Tiếng cười giòn tan giữa thảo cầm viên của trời đất U Minh:
     Hậu thế thường suy tôn Ba Phi là "vua nói dóc". Các nhà folklore học xếp Ba Phi vào hàng "trạng" dân phong. Một số nhà báo còn nại Ba Phi ra để châm chích nạn lừa phỉnh, nói láo của các quan chức tiêu cực thời nay. Thật ra, nếu phong danh cho Ba Phi là "vua hài" có lẽ sẽ công bằng hơn và lãng mạn hơn.
 
    Cảnh quan môi trường U Minh cách đây từ một thế kỷ trở lên là hiện thực của những câu chuyện kể của Ba Phi. Đó là "Rừng cười" theo cách nói của TS. Bùi Mạnh Nhị. Còn GS. Trần Quốc Vượng thì dõng dạc: "Khi tiếp cận Ba Phi và Chuyện kể Ba Phi là phải đặt nó trong bối cảnh sinh thái nhân văn hệ rừng ngập lợ U Minh. Ở ngoài Bắc, ngoài Trung có Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột nhưng không thể có Ba Phi và Chuyện kể Ba Phi. Ba Phi và Chuyện kể Ba Phi là Nam Bộ "rặt", U Minh "rặt"! Để mất hệ sinh thái rừng ngập lợ, trên thực tế là khai tử vĩnh viễn và đọc điếu văn cho Ba Phi và Chuyện kể Ba Phi".
 
    Trong kho tàng truyện Trạng Việt Nam, tiếng cười đã từng vang lên làm đau thốn ruột, thốn gan; làm cho choáng váng mặt mày; cười vào bản mặt giới cầm quyền bằng sự châm chọc thông minh, nhưng cay cú và phỉ báng. Còn tiếng cười Ba Phi là tiếng cười đồng điệu với thiên nhiên, nên giòn tan và hồn nhiên thanh thản lạ thường.
 
    Năm 2000, nhân điều tra nghiên cứu Chuyện kể Ba Phi, tôi đã trực tiếp đọc tất cả ấn phẩm của sáu nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc, tổng hợp và phân loại tổng cộng 194 cách kể về 58 chuyện kể Ba Phi. Trong đó có 38 chuyện được nhiều người kể lại nhất, thuần phong cách nhất và có lẽ "rặt" Ba Phi nhất. Tất nhiên trong số 20 chuyện còn lại chất Ba Phi bị nhạt dần, có khuynh hướng "xa rừng- nhạt biển". Tôi cũng đã dùng phương pháp phân loại, đối chiếu so sánh thì phát hiện rằng : có đến 19 chuyện kể có nội dung săn bắt động vật rừng và 23 chuyện kể có nội dung khai thác thiên nhiên. Vậy là, có tất cả 42/58 (tỷ lệ 72%) chuyện kể Ba Phi đậm đà màu sắc rừng U Minh. Về thủ pháp kể chuyện: 14 chuyện kể phóng đại sự vật, 22 chuyện kể cường điệu sự kiện, 21 chuyện kể hư cấu có lý.
 
    Lời GS. Trần Quốc Vượng : "Vào Nam Bộ, xuống Cà Mau, vô U Minh là sống với folklore Việt Nam-Nam Bộ hiện đại là nghiệm sinh ("vécu"). Chuyện Ba Phi ngấm vào máu thịt, tâm hồn ngưòi dân U Minh-Cà Mau-Nam Bộ chứ không chỉ là chuyện "nghệ thuật ngôn từ", chuyện "thi pháp kể chuyện dân gian" với những đặc thù, chủ đề, thể loại, loại hình này nọ...".
 
    Trong 58 chuyện kể không thể nào xác định chính xác có bao nhiêu là do chính miệng Ba Phi kể, bao nhiêu là do người đời sau bắt chước Ba Phi kể thêm. Đi làm việc đó là vô lý, vô nghĩa. Vấn đề trọng đại hơn ngàn lần là tiếng cười cất lên từ rừng U Minh đã được thu nhận vào bản đồ văn học dân gian Việt Nam; hơn thế, nó còn là một sự bổ khuyết về mặt tâm lý/tâm thức ứng xử văn hóa của người Việt Bắc Bộ xưa "xa rừng nhạt biển". Để rồi từ đây trong kho tàng Truyện cười dân gian Việt Nam, vốn ngập tràn tiếng cười về nhân tình-thế sự; đã có thêm tiếng cười biểu lộ tâm thế "thiên-địa-nhân hợp nhất" có tên gọi Ba Phi, tinh khiết như màu nước trong suốt lóng phèn nơi phong thổ của cây tràm.
 
3 Nghiệm sinh khóc, cười đất phương Nam :
    Khóc, cười là tương khắc mà cũng là tương sinh. Sự tương hợp kỳ lạ ấy xảy ra ở vùng cực Nam Bộ, khắc vào vùng cảnh quan địa lý rừng-biển những dấu ấn văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có lẽ đây là minh chứng hùng hồn cho thuyết ĐỊA-VĂN HÓA mà lúc sinh thời cố GS. Trần Quốc Vượng rao giảng và cổ súy. Từ cuộc hội thảo khoa học Chuyện kể Ba Phi tại Cà Mau năm 2002, ông nói đến hai chữ "nghiệm sinh" như là tiêu chí tối thượng dành cho người nghiên cứu văn hóa dân gian.
 
    Bác Sáu Lầu khơi mào cho phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ bằng bản Dạ cổ hoài lang, đến nay chưa có cơ quan nhà nước nào phong tặng danh hiệu gì cho bác : Bác Ba Phi thì đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian Việt Nam" tương tự danh hiệu "Báu vật sống" mà UNESCO dành tặng cho nghệ nhân trên thế giới. Ông vua bi có buồn ? Ông vua hài có vui?
 
    Mai này, ai có về đất Bạc Liêu-Cà Mau dù đã là thời hội nhập toàn cầu; cũng nên dành ít thời gian ghé viếng mộ 2 bác nằm đìu hiu; một ở miền ven biển Bạc Liêu, một ở Lung Tràm U Minh. Không biết có nghiệm sinh được cái lẽ khóc, cười: khởi thủy đất này, nhưng chung thủy lại thuộc về đất nước. Đó là nhân văn của người Nam Bộ "từ thuở mang gươm đi mở cõi..."; rất "cận rừng" và "đậm biển”.
 
VƯU NGHỊ LỰC
Cà Mau, đêm 17.12.2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét