Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Cà Mau - Cõi tâm linh: Bài 10: Từ Quang Tự


    Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thế giới loài người là một vinh hiển cho con người và cuộc đời. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa từ bi và trí tuệ là hiện thân của chân lý, là điềm lành cho hết thảy chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới. “Nếu cõi đời không đau khổ, tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời”. Ngài ra đời, vì mục đích trọng đại là Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sinh, nên dù chúng ta có là Phật tử hay không, thiết tưởng cũng cần biết sơ lược về lịch sử, những diễn biến lớn của cuộc đời Ngài, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ khai sáng đạo Phật.

    Có nhiều thuyết khác nhau. Theo thuyết phổ thông hiện nay, Đức Phật đản sinh thành đạo, niết bàn nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak của xứ Ấn Độ, tức là ngày 15 tháng 4 âm lịch năm 623, trước Jésus Chirst ra đời.
    Thái tử Siddhartha (Tên tục của Đức Phật trước khi xuất gia) thuộc giai cấp Satriya (Sát Đế lị) giòng Cakya (Thích Ca) một đại quý tộc ở Ấn Độ, con hoàng đế Cuddhodana (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Mâyâdevi (Tịnh Diệu). Thái tử có 32 tướng quý, 80 vẻ đẹp. Nhà tiên tri Asita (A Tư Đà) khi xem tướng thái tử, có nói : “Nếu thái tử ở tại gia sẽ là một vị vua trên hết các vị vua chúa trong hoàn cầu, ngự trị cả năm châu; nhưng chữ Vạn nổi ở trên ngực là điềm báo trước thái tử sẽ xuất gia thành Phật, làm chủ cả tam giới, dắt đường chỉ nẻo cứu độ cho hết thảy chúng sinh”. Hiện trạng xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ luôn luôn sống trong tình trạng báo động, nghi ngờ, áp bức, bất công do giai cấp Bà La Môn giáo gây ra, nền luân lý cổ truyền gần như sụp đổ. Vốn là người giàu tư tưởng, khi tuổi mới lớn là tuổi hay thắc mắc, hoài nghi tất cả. Hơn nữa, thái tử là một thanh niên thông minh tuyệt vời, ưa tìm hiểu mọi việc. Nên, sau khi du ngoạn bốn cửa thành, thái tử đã cảm nhận bao nỗi thống khổ của trần gian: già, đau, sống, chết, bốn cảnh buồn tê tái ấy là những duyên cớ đã thúc giục chí xuất gia của Ngài mà không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được.

Chánh điện Từ Quang Tự


Tượng Phật nhập Niết Bàn
    Rồi từ đấy Ngài tu ép xác cho đến nỗi gầy gò ốm yếu, có đôi khi tưởng đến sắp chạy theo tử thần mà nào có hiệu quả gì đâu ? Ngài nghĩ : “Thân thể có cường tráng thì tinh thần mới sảng khoái. Quá sướng hay quá khổ đều không phải là lối tu chân chính. Con đường dẫn đến giải thoát là phải tránh xa hai thái cực ấy”.
    Ngài đã thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi.
    Công hạnh tu chứng của Đức Phật, đánh dấu một quá trình cao cả: qua bao nhiêu chặng đường gai góc nhưng rất huy hoàng của một đấng Toàn Giác.
    Năm 543 trước kỷ nguyên TL, bấy giờ Đức Phật đã 80 tuổi, khi nguyện ước muốn đã thành, một hôm, Ngài cho triệu tập các đệ tử từ khắp bốn phương lại mà di chúc những lời tối hậu :
    “Các con, hãy vì lòng từ bi rộng lớn, đi gieo rắc hạnh phúc cho đời. Đừng đi trùng nhau trên một ngả đường. Các con, hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu”.
    Những lời vàng ngọc của Đức Phật truyền dạy làm rung động đến tận cùng tâm thức của những người đệ tử mến yêu, cần phải suy nghĩ.
    Sau khi đã dạy bảo các đệ tử mọi lẽ, Ngài liền từ giã thành Sravasti (nay là thành Sateth Maheh) mà sang thành Kusinagara giữa hai cây Sala (tục gọi là cây bông vải : mộc miên), trong một khu rừng ở mé núi Hiranyavati và tịch diệt ở đây.

Tượng Phật Quan Âm Bồ Tát, một vị Bồ Tát luôn giúp chúng sanh qua cơn hoạn nạn


Tượng Phật Di Lặc, theo đạo Phật thì đây là một vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai
    Từ đấy Đạo Phật thật sự được phát triển trên toàn thế giới, người hành đạo mỗi lúc mỗi đông hơn. Ở Việt Nam, đạo Phật được du nhập khá sớm và được đông đảo người dân tu hành… Ngày nay với chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, đạo Phật cùng các đạo giáo khác luôn được phát triển với sự bảo trợ của luật pháp. Riêng Cà Mau, đạo Phật cũng tồn tại như một tất yếu của tâm linh… Từ Quang tự (Phường 9, Thành phố Cà Mau) - một nơi thờ phụng Đức Thích Ca Mâu Ni - một nơi có hơn 20 vị tu sĩ đang đi theo giáo lý của Đức Thích Ca và là nơi là chốn gởi gắm tâm linh cho một bộ phận cư dân Cà Mau quanh vùng… Từ Quang tự được xây dựng vào năm 1969 do đạo hữu Nguyễn Khuê Hường hiến đất và vị sư trụ trì đầu tiên là Thầy Thích Thiện Đức… Ngày nay, Từ Quang tự được điều hành bởi Thầy Thích Phước Lợi…
    Từ Quang tự - một cõi tâm linh - một điểm văn hóa của Cà Mau.
Bài: DIỆU MINH
Ảnh: TUỆ NGUYÊN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét